5 nguyên tắc biến Sếp thành đồng minh mà nhân viên nào cũng cần phải biết

Chọn các thông tin quan trọng nhất để báo cáo với sếp, cùng nghĩ với sếp trong các tình huống khó khăn, thông cảm và lắng nghe các quyết định của sếp là một trong số các nguyên tắc để biến Sếp thành đồng minh.

 

5 nguyên tắc biến Sếp thành đồng minh mà nhân viên nào cũng cần phải biết

 
Tôi rất trân trọng những người hằng ngày tôi gặp, đôi khi họ có những giải pháp rất phù hợp với những thắc mắc hiện nay mà bản thân mình cũng băn khoăn tìm hướng giải quyết.
Một cơ duyên đã cho tôi nói chuyện với một vị tiền bối có uy tín lớn trong ngành ngân hàng về những nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên và sếp, tôi tạm gọi ở đây là những bí quyết biến sếp thành đồng minh. Để biến sếp thành đồng minh, chúng ta cần nhớ những nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Sếp luôn là người chịu trách nhiệm cuối cùng với mọi hậu quả bất kể nó xuất phát từ ai có liên quan đến mình, vì vậy, sếp sẽ luôn giữ ý kiến chủ quan của mình và bảo vệ nó đến cùng, sếp chỉ thay đổi suy nghĩ khi có những bằng chứng thuyết phục.
Nguyên tắc 2: Sếp sẽ có nhiều nguồn thông tin khác nhau để hỗ trợ trong việc ra quyết định, vì vậy, sếp sẽ có những quyết định “rất bất thường” mà không thể nào chia sẻ ngay lý do tại sao sếp làm như vậy với bạn, do đó, hãy thông cảm và nghe lời, mọi kết quả sẽ được thời gian trả lời.
Nguyên tắc 3: Khi ý kiến của bạn bất đồng với ý kiến của sếp, cụ thể là tốt hơn ý kiến của sếp thì phải làm như thế nào? Có 2 trường hợp xảy ra.
Ý kiến của bạn được 9 điểm, ý kiến của sếp được 8.5 điểm. Đây là chênh lệch không nhiều, có thể do văn phong của hai người khác nhau hoặc do cách trình bày số liệu khác nhau. Vì vậy, hãy theo ý kiến 8.5 điểm vì theo nguyên tắc số 1, sếp sẽ giữ ý kiến chủ quan của mình.
Ý kiến của bạn được 10 điểm, ý kiến của sếp được 7 điểm. Đây là chênh lệch lớn, vì vậy, cần có sự đấu tranh để bảo vệ ý kiến của mình, tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn thời điểm phù hợp, tốt nhất là khi tâm trạng Sếp đang vui vẻ.
Nguyên tắc 4: Các sếp lớn (đặc biệt từ cấp phó tổng trở lên) có rất nhiều việc, vì vậy, khi báo cáo với sếp, hãy lựa chọn cung cấp thông tin có chọn lọc, đưa ra các điểm quan trọng nhất. Bạn phải hiểu rằng, các sếp sẽ sử dụng thông tin của mình để ra quyết định chứ không phải để biết thông tin.
Nguyên tắc 5: Đứng trước một vấn đề mới hoặc một quyết định khó khăn, đôi khi chính sếp cũng không biết phải làm như thế nào. Tuy nhiên, sếp không thể nào lại nói rằng mình không biết, vì vậy, sếp sẽ “chém gió” và có thể bạn không hiểu sếp nói gì.
Trước tình huống khó khăn này, không bao giờ được nói là “em không biết” bởi vì, khi nói như vậy, chỉ có một mình sếp nghĩ, sản phẩm tạo ra sẽ là từ sếp trở xuống còn khi nói “em và sếp cùng nghĩ”, sản phẩm tạo ra sẽ là từ sếp trở lên.
Trên đây là một số nguyên tắc về giải quyết những mâu thuẫn hằng ngày, chắc chắn trong khoảng 40 năm đi làm, bạn còn gặp nhiều tình huống còn khó khăn hơn nhiều, hãy nhớ đến những nguyên tắc này để có những giải pháp tối ưu.

Kiều Việt Hùng
Theo Trí Thức Trẻ

Trả lời